Góc nhìn về cuộc sống, ngành Hệ Thống Thông Tin của một tiền bối

Đi một ngày đàng học một sàng khôn, ngay cái lúc mà tôi nghĩ mình đã hiểu biết rất nhiều thì chính cái lúc đó tôi đã vô tình biến bản thân thành một con ếch ngồi đáy giếng. Có cơ hội để trò chuyện với bậc tiền bối đi trước thật là một điều may mắn, sau cuộc trò chuyện hôm nay (07/04/2019) tôi nhận ra khá nhiều điều không tốt về bản thân, về cách nhìn nhận và đánh giá con người, về việc sử dụng mọi thứ sẵn có để xây dựng tầm nhìn cho riêng mình.

Tôi có đi dạo Vlance vài ngày trước để tìm việc trang trải cá nhân, không làm thì cạp đất mà ăn vì dạo này cũng vã lắm rồi! Lướt lướt qua vài tin tuyển dụng freelancer thì tôi thấy một anh (Long Nguyễn) đăng cần người dịch bài viết về công nghệ và giá cả cũng khá là ổn so với các công việc trước mà tôi đã từng làm, cộng thêm việc dịch bài viết không có sự căng thẳng quá cao tuy có đôi chút đau đầu nên tôi đã nhanh chóng báo giá ngay (với lượt báo giá cuối cùng còn sót lại trong tài khoản Vlance).
Anh Long sau đó thấy báo giá và nhắn tin riêng cho tôi và đưa bài test, tôi trả bài khá nhanh và sau đó thì anh nhận xét và đưa thêm vài bài nữa với mức giá thương lượng cũng khá là hợp lý. Trong lúc trao đổi công việc thì anh Long biết tôi là sinh viên CNTT, cũng ở xung quanh khu vực Gò Vấp, Quận 12 nên rủ đi Coffee T&T ở đường số 18 Kha Vạn Cân (bờ sông Sài Gòn).

Coffee T&T (Nguồn: Google Maps)


Anh Long là người rất gần gũi và có kinh nghiệm, vì bản thân là bậc tiền bối đi trước nên khi nghe tôi trả lời một số câu hỏi của anh là anh Long biết tôi đang gặp phải vấn đề và trở ngại gì, tầm nhìn của tôi hạn hẹp thế nào và cái quan trọng nhất là cho tôi thấy những kiến thức của tôi chỉ là một xíu xiu trong một cái kho tàng khổng lồ. Nhân tiện đây tôi sẽ chia sẻ lại các điều mà tôi ghi nhận được trong cuộc trò chuyện này để xem lại, đồng thời nhìn vào những thiếu sót của mình trong suốt thời gian qua mà thực hiện điều chỉnh hành động của bản thân trong tương lai.

Tôi khá tự tin và đánh giá vốn hiểu biến và tầm nhìn của tôi là 6/10, sau khi trao đổi và tiếp xúc trực tiếp với các chuyên gia trong ngành thì tầm nhìn hạn hẹp của tôi đã tăng lên 10! Nhưng là 10/1000000...

Đừng đâm đầu đi làm khi vẫn còn thiếu thông tin

Quan niệm của tôi thực ra khá là phổ thông, đi làm càng sớm càng tốt cho bằng bạn bằng bè để không còn phải ăn bám gia đình và có một cuộc sống tự lập thoải mái hơn lúc trước, từ đó đúc kết kinh nghiệm và dựa vào kỹ năng kỹ thuật theo số năm để nâng cao thu nhập của mình theo thời gian.

Nhưng nếu xét đến tầm nhìn tổng quan về ngành hơn một tí thì quan niệm đó cũng có chỗ sai lầm. Giai đoạn đi làm không chỉ là để kiếm tiền đơn thuần, đó còn là nơi để tôi sử dụng kinh nghiệm sẵn có của bản thân để làm giàu cho kiến thức chuyên môn sau này. Tuy nhiên việc phát triển chuyên môn cá nhân cũng phải cần một sự bình ổn nhất định, việc trầy trật nộp đơn vào cả chục công ty và phỏng vấn lấy kinh nghiệm theo tôi là một cách không tồi để trau dổi kiến thức và giữ cái đầu lạnh khi phỏng vấn, vô hình chung quan niệm đó lại bỏ qua khái niệm "work smarter, not harder".

Work smarter, not harder.


Nếu tôi không xác định rõ mục tiêu và định hướng cho con đường nghề nghiệp tương lai của mình thì việc làm trên sẽ rất vô định hình, có thể tôi sẽ kiếm được một công việc nào đó nhưng chẳng may thay lại không đúng môi trường mà tôi có thể phát triển chuyên môn, lương trả không xứng đáng, OT không phụ cấp quá nhiều,.. lúc đó chả còn cách nào khác ngoài nghĩ đến chuyện nhảy việc, tìm công việc lương cao hơn và môi trường tốt hơn. Vậy những gì tôi có thể rút ra ở đây là ở mặt lý thuyết, xác định tiềm năng nghề nghiệp, kiến thức chuyên môn một cách thật kỹ càng và thực hiện lọc ra các công ty phù hợp sẽ khiến con đường phía trước trở nên rõ ràng hơn, từ đó cũng khiến các lựa chọn được đưa ra một cách chính xác và dễ dàng hơn.

Cười người hôm trước hôm sau người cười

Tôi khá buồn cười bản thân vì cái này, tiêu đề của đoạn này có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau, ở trường hợp của tôi là phán xét người khác dựa trên cách làm việc và kiến thức hiện tại của họ, đó cũng chính là lý do khiến tôi cười bản thân, khi tưởng đã thấm nhuần cái tư duy không phán xét rồi nhưng ta lại làm chuyện đó một cách vô tình và đầy ngẫu hứng.
Anh Long kể với tôi rằng anh có rất nhiều người bạn lúc đi học thì không có gì nổi trội, kiến thức rất đỗi là bình thường, yếu hơn các anh em bạn bè đồng trang lứa rất nhiều. Bây giờ thì những người giỏi nhất nhì trong tập thể đó lương khoảng 30-40 triệu, còn những người yếu yếu gà gà ngày nào giờ đây đã có mức thu nhập vài tỷ một năm.

Đừng cười người nếu không muốn bị người cười.

Sau khi ra trường, chục năm sau gặp lại nhau thì việc đầu tiên mấy ông bạn chí cốt bấy giờ cũng chỉ quanh quẩn các câu hỏi về nghề nghiệp, lương bổng, vợ con, cuộc sống có ổn định. Biết đâu khi bạn đang khinh khỉnh hỏi cậu bạn quần đùi dép lào ngày trước học dốt nhất lớp về thu nhập thì lại nhận được câu trả lời vài tỷ thì có mà há hốc mồm (trừ khi lão chém gió).

Nên bài học của tôi ở đây là đừng suy nghĩ quá rập khuôn, việc làm hiện tại không hoàn toàn đánh giá tương lai. Một người có thể không giỏi ở lĩnh vực này nhưng lại xuất chúng ở lĩnh vực khác, suy cho cùng thì ta không thể biết được nếu chúng ta không đứng ở vị trí của họ, thứ quyết định thành công và thu nhập chủ yếu nhờ vào việc nhìn nhận khách quan mọi vấn đề và tập trung kiến thức để áp dụng vào những trường hợp tương thích.

Tìm hiểu tổng quan vấn đề trước khi đánh giá

Tôi có những tư tưởng, cách nhìn nhận về ngành Hệ Thống Thông Tin rất cơ bản và phiến diện. Tôi nghĩ mình sẽ theo đuổi nghiệp Dev vì không có hứng thú để làm về các hệ thống ERP,.. thực sự thì cho đến bây giờ khi ngồi im suy nghĩ lại, tôi thấy bản thân thật thiếu hiểu biết, nhận xét quá nghiệp dư về một vấn đề.

Chưa hiểu chưa nên phán.

Sở dĩ tôi có suy nghĩ như vậy vì tôi nghĩ rằng tôi đủ kiến thức để nhận xét tổng quát về nó, tuy nhiên những gì mà tôi từng biết về Hệ Thống Thông Tin có lẽ chỉ là một nốt dữ liệu nhỏ trong một cái cây nhị phân tỷ nhánh. Không chỉ là về ERP, tôi cần phải biết ngành HTTT nó bao gồm những lĩnh vực gì và khi đào sâu vào khái niệm này thì tôi sẽ gặp được những gì, thực sự thì nó rộng lớn thế nào. Tôi luôn nghĩ rằng nếu thực sự đi theo hướng kỹ sư HTTT thì sẽ công việc sẽ không thiên về code nhiều mà chủ yếu là phân tích các hệ thống, thiết kế quan hệ cơ sở dữ liệu cho hệ thống và quản trị hệ cơ sở dữ liệu. Nhưng nếu tôi đã hiểu về nó thì tôi đâu có viết những dòng này, cho nên việc phân tích kỹ càng về khái niệm và mục đích của nó là việc mà tôi chưa có đủ kiến thức để làm trong bài viết này nhưng chắc chắn tôi sẽ biết trong những tháng ngày gần nhất, trước khi tôi chìm vào cái hố đen của đồng tiền khiến tôi chả còn tâm trí gì đến những kiến thức cốt lõi nữa.

Anh Long có chia sẻ rằng làm ERP đừng có nghĩ là không phải code, khi sử dụng những cái source như Odoo thì khi khách hàng có nhu cầu customize nó mấy anh hệ thống cũng phải ngồi code sấp mặt ngày đêm để kịp tiến độ ấy chứ. Nói chung là anh bảo tôi chưa có hiểu được vấn đề ở góc nhìn cao hơn, còn phải học hỏi rất rất nhiều.

Ngôn ngữ lập trình chỉ là công cụ để phục vụ cho một mục đích nhất định

Câu chuyện về cốc coffee được anh Long chia sẻ với tôi: "Ví dụ em rất muốn làm một ly coffee,em tìm hiểu xem nó được làm như thế nào, em tìm mua nguyên liệu và bắt đầu làm ra được một ly coffee. Lúc đó em vui mừng lắm vì mình đã làm được ly coffee mà, sau đó em mở quán bán và không có khách nào vào vì mấy thằng khác có cách làm ngon hơn, không gian tuyệt hơn, thế là em phải bắt đầu lại. Hoặc là bám theo sự thay đổi, hoặc là chết."

Đó không hẳn là một câu chuyện mà tôi nhớ chính xác từng chi tiết, nhưng ý nghĩa của nó thì không thay đổi. Tôi có chia sẻ với anh về định hướng theo công việc Dev PHP của mình thì anh mới kể câu chuyện trên, tuy có tham khảo thị hiếu công việc và khá là chắc chắn sẽ có cơ số việc tại Việt Nam cần đến lập trình viên PHP. Tuy nhiên nếu xét theo xu hướng thực sự của người dùng và sự thay đổi chóng mặt của công nghệ hiện nay thì trường hợp giống ly coffee là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Tiến bộ không phải là một lựa chọn, đó là điều bắt buộc.

Tools for specific purpose.

Dù bạn có sử dụng PHP, Python, C#, NodeJS,... thì cuối cùng tất cả cũng chỉ để phục vụ cho một mục đích nhất định nào đó. Chắc chắn một sản phẩm tốn cả trăm giờ làm việc được tạo ra không phải để chơi mà là để kiếm tiền hoặc dành cho một mục tiêu cụ thể nào đó với phạm vi là một cộng đồng lớn hoặc nhỏ. Góc nhìn của người sử dụng rất đơn giản, họ thích một hệ thống đơn giản, dễ sử dụng, hiệu suất cao và làm việc nhanh chóng, bất cứ thứ gì có lợi cho công việc hiện tại của họ.
Nếu khách hàng muốn thiết kế một trang landing page sử dụng cho mục đích khai thác thông tin khách hàng và giới thiệu công ty thì họ chỉ cần bỏ không quá 50$ để mua/thuê một công cụ tạo web, sau đó kéo thả các phần tử để tùy chỉnh theo ý thích. Tuy hạn chế của việc này là họ có thể sẽ không hiểu về cách hoạt động và không kiểm soát được các thành phần đang chạy bên trong trang web nhưng nó phù hợp với mục đích cuối cùng của họ - nhanh chóng, tiết kiệm, dễ dàng, chuyên nghiệp.

Thuê cả một đội ngũ sẽ cho ra một hệ thống được tối ưu và chuyên nghiệp hơn rất nhiều, điều đó là chắc chắn. Nhưng khoan hãy xét đến mức độ trơn tru của hệ thống, việc trả lương một đội ngũ khoảng 5 người để làm trong một tháng sẽ tốn khoảng sẽ tốn khoảng 50-70 triệu chưa tính đến cơ sở vật chất và chưa kể việc phải thực hiện thống nhất quan điểm rất nhiều để cho ra một sản phẩm mà mọi người đều hài lòng. Trong khi đó chỉ cần bỏ ra dưới 10 triệu để thuê một công cụ tạo web cực kỳ dễ dàng cho cả nhóm người dùng phổ thông và có thể tái sử dụng khi gặp chuyện cần thiết thì tại sao lại không tận dụng?

Xây dựng tư duy quản lý

Có thể bạn thấy hơi hoang mang vì đang còn tuổi ăn tuổi học thì lấy đâu ra tư duy quản lý? Chính xác, tôi cũng nghĩ vậy và chắc chắn rằng tư duy quản lý không phải là một điều có thể được trau dồi chỉ thông qua lý thuyết. Đó là cả một quá trình tích lũy kiến thức, học hỏi từ công việc, tính bằng năm chứ không phải chỉ thông qua vài cuốn sách, vài bài viết cả nghìn từ.

Khoan hãy bàn đến việc có tư duy để sau này làm quản lý. Xây dựng tư duy quản lý để nhìn nhận được góc độ tổng quan của một loại lĩnh vực nào đó, từ đó biết được cách cải thiện tình hình hiện tại của vấn đề đó để có cách làm việc hiệu quả hơn hoặc tận dụng tầm nhìn để giảm chi phí mà không làm giảm chất lượng của sản phẩm. Ví dụ đơn giản là nếu bạn chỉ có tư duy đơn thuần của một lập trình viên phổ thông thì khi được giao việc bạn sẽ ngồi code miệt mài, sau đó đưa cho tester, thông qua QC, QA để được đem đi demo cho khách, gặp bug thì lại có việc về, sau đó lại nhận việc,.. Có nghĩa là bạn không quan tâm đến mục đích của việc mình đang làm, làm cho xong việc mà không bỏ công nghĩ là việc này để làm gì, có liên quan gì đến lợi ích của công ty.

Ảnh: UBrand

Nếu đưa cách nhìn nhận lên cao hơn một chút thì bạn sẽ tò mò về cách mà việc bạn sắp làm giúp ích cho công ty ra sao, sản phẩm này sẽ được khách hàng sử dụng hiệu quả thế nào và có cách nào để giảm chi phí cho dự án mà không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, tạo uy tín đồng thời doanh thu cho công ty. Học cách xây dựng tư duy quản lý có thể được xem là một khung tư tưởng để cải thiện tầm nhìn của bản thân, nhìn nhận mọi việc ở một vị trí cao hơn, tận dụng tầm nhìn đó để làm giàu cho bản thân và thực sự đóng góp cho tập thể.

Kết luận

Những điều tôi vừa nêu ra ở trên thực tế chỉ là một bản tóm tắt của những gì mà anh Long chia sẻ thôi, khả năng và kiến thức của tôi vẫn còn có hạn nên việc chia sẻ, thể hiện được hết kiến thức là một điều gần như không thể vào thời điểm hiện tại.
Từ những chia sẻ này tôi sẽ cẩn thận hơn với cách suy nghĩ của mình trong tương lai và có một cái nhìn rõ hơn về những thứ mà tôi sắp sửa thực hiện. Hành trình trước mắt của tôi sẽ còn rất nhiều chông gai và khó khăn.

Tôi rất mong là bài viết này có thể giúp được bạn cải thiện được suy nghĩ về lĩnh vực mà bạn đang theo đuổi. Tuy nhiên không có khái niệm nào là đúng hoàn toàn, bạn phải tận dụng tư duy của bộ não và chọn lọc ra những thông tin có lợi cho mình nhất. Chúc bạn thành công trên con đường đã chọn!

- Thien Nguyen